Dienstag, 17. Februar 2009

Ích lợi của việc tiếp xúc với thiên nhiên

TT - Nghề trồng kiểng làm con người sống hòa nhã và yêu mến thiên nhiên. Người trồng kiểng thường có đời sống nội tâm khá nhẹ nhàng, ít quan tâm đến những bon chen, ganh tị, ghen ghét đời thường. Đồng thời đó còn là những vui buồn khác của nghề làm… ôsin cho kiểng mà không phải ai cũng thấu hiểu.



Chị Thư: “Chăm sóc kiểng mới hai năm nhưng đã... nghiện kiểng mất rồi”
Cầm bay trám từng mảng hồ lên cái chậu to tướng một cách tỉ mỉ, anh Nguyễn Thanh (26 tuổi, quê Thái Bình) cho biết: “Mấy chậu này chuyên trồng cây kiểng thuộc hàng cao cấp nên phải làm rất kỹ”. Một chậu đúng quy cách phải đạt các tiêu chí như tròn đều ở bờ miệng, chân đứng không bị chông chênh khi đặt trên một mặt phẳng và nhất thiết phải đạt yêu cầu về thoát nước.
Làm… ôsin cho kiểng, Thanh đảm nhận hết các công việc từ đúc chậu đến tạo dáng, chăm sóc kiểng hằng ngày, đưa kiểng vào chậu ra chậu... Chăm sóc kiểng hơn bốn năm, tại vườn hoa cây kiểng Ngọc Hà, Q.12, TP.HCM, Thanh xúc động: “Mỗi cây kiểng khi chăm sóc mình đã ít nhiều đặt tình cảm vào nó. Thấy khách hàng chất chậu kiểng lên xe đưa đi, bụng tôi nửa buồn nửa vui. Vui vì bán được kiểng sẽ có thêm tiền thưởng, buồn vì phải chia tay với một thứ gì đó đã gắn bó bấy lâu nay với mình...”.
Với bạn Lý Thị Thư (24 tuổi, quê Tuy Hòa) tuy mới vào nghề làm ôsin kiểng chưa đầy hai năm nhưng có vẻ như công việc này đã hút lấy chị. Thư chuyên làm công việc bón phân, tỉa cành, tưới nước cho kiểng. Những ngày mới làm, Thư luôn đau đầu với bón phân, tưới nước sao cho gốc kiểng không bị úng, tỉa cành nhưng không được làm ảnh hưởng đến thế của kiểng. Dần dần quen việc và thấy những lứa kiểng do bàn tay mình chăm sóc ngày một tốt tươi nên Thư “nghiện” công việc lúc nào không biết. “Nhiều lúc ít việc, chủ vườn bảo nghỉ vài ngày đi đâu đó chơi cho vui. Nhưng suốt ngày chăm nom kiểng quen rồi, nay ra đường lại khói bụi nên cứ muốn quanh quẩn với môi trường xanh này”.
Làm ôsin kiểng là một loại nghề khá đặc biệt nên công lao động cũng khác so với những nghề bình thường. Có kinh nghiệm chăm sóc kiểng và biết làm mọi công việc như Thanh thì được chủ trả bình quân 4 triệu đồng/tháng. Còn mới vào nghề và chưa có kinh nghiệm như Thư được trả hơn 2 triệu/tháng. Đó là chưa kể đến các khoản tiền thưởng cuối năm. Những ôsin kiểng có tay nghề như Thanh được các chủ vườn rất quý vì khi chủ đi vắng, họ có thể thay thế chủ vườn chăm sóc kiểng trước những biến động thời tiết hay kiểng gặp sự cố.
Kiểng không phụ người có tâm
Những ôsin kiểng có tay nghề cao nhiều khi phải… chạy sô từ vườn này đến vườn khác. Lúc có khách đặt hàng gấp, chủ vườn phải đến tận nhà ôsin kiểng để năn nỉ.
Ông chủ vườn hoa cây kiểng Ngọc Hà hiện có vườn kiểng rộng hơn 1.000m2 với hàng trăm gốc kiểng các loại... Mười mấy năm trước, anh Hà rời quê Tây Ninh lên Sài Gòn lập nghiệp với nghề khởi đầu là bán kiểng dạo. Sau một vài năm bán kiểng dạo, anh tích cóp được ít vốn rồi quyết định thuê vườn trồng kiểng - một sân nhỏ chừng 20m2 nằm trước phòng trọ với giá trọn gói 1 triệu đồng/tháng.
Hằng ngày anh đạp xe ra các vùng ven ở Q.Thủ Đức, Q.12 tìm gốc cây mang về tạo dáng. Chăm chỉ làm việc, tìm khách hàng, sau gần năm năm theo nghiệp trồng kiểng, anh đã mua được mảnh đất hiện giờ. “Tính ra đã gần 15 năm tôi theo nghiệp trồng kiểng, dân trồng kiểng chúng tôi có một câu mà bất cứ ai theo nghiệp kiểng đều ghi nhớ: Hãy đặt cái tâm vào mỗi gốc kiểng, rồi kiểng sẽ không phụ mình”.




Quan trọng hơn, theo người chủ vườn kiểng trẻ này cũng như với các ôsin kiểng, nghề trồng kiểng khiến người ta sống hòa nhã và yêu mến thiên nhiên. Hít thở không khí trong lành do cây xanh đem lại nên người làm kiểng có đời sống nội tâm khá nhẹ nhàng, ít quan tâm đến những ganh đua, ghen ghét đời thường...


NGUYỄN NAM , báo Tuổi Trẻ tháng 2 / 2009





01/02/2009

Nghiên cứu của các chuyên gia y tế thuộc Tổ chức bảo tồn tự nhiên Natural England (NE) cho thấy việc tiếp xúc nhiều với môi trường thiên nhiên, nhất là môi trường hoang dã, sẽ góp phần giảm tình trạng ốm đau, giảm stress, tăng hoạt động thân thể, giúp con người giữ thân hình cân đối.
Triệu chứng rối loạn khả năng tập trung ở trẻ em được cải thiện đáng kể khi các em được tiếp xúc nhiều với thiên nhiên; những người đang phục hồi sau các ca phẫu thuật ít phải uống thuốc giảm đau hơn nếu họ được ngắm những cánh đồng xanh; con người cũng thích tập thể dục thường xuyên tại những nơi gần với môi trường tự nhiên hơn là tại các trung tâm thể hình...

H.Y , báo Thanh Niên