Sonntag, 21. Dezember 2008

Hương vị Cao Lầu




Khi xưa các doanh nhân buôn bán nơi phố cảng vì muốn trông coi hàng hóa của mình nên thường leo lên lầu cao của quán. Điều này có thế thấy ở các quán cao lầu Hội An. Ngồi trên lầu cao ngắm cảnh đẹp và thưởng thức món ngon, đây có thể là xuất phát của tên gọi cao lầu.


Sợi mì được chế biến rất công phu. Gạo thơm ngâm vào nước củ chàm ở đảo Cù Lao Chàm hải đảo cách Hội An 16 km, cho đủ độ, để sợi bánh không nồng, không bở hoặc quá cứng. Bột gạo xay xong đem trộn với nước giếng Ba Lễ, thứ nước giếng không có độ phèn. Nhờ thế mà sợi cao lầu để cả ngày không chua, không ôi mà vẫn dẻo giòn - dù không có chất bảo quản.





Khi bán, người ta lấy vợt trụng giá và sợi mì vào nước sôi nhưng không được mềm, sợi mì phải giòn. Giá trụng đổ ra tô, xếp mì lên trên, sắp thêm vài lát thịt xíu rồi đổ tép mỡ và một muỗng mỡ heo rán để sẵn bên lò nước. Đối với thịt xíu, mì cao lầu chỉ dùng thịt heo cỏ, thịt săn chắc, thơm, vừa mỏng da vừa nhiều nạc. Như thế, nước thịt xíu mới có vị ngọt thơm của thịt, vừa có hương vị riêng của một số gia vị như nước mắm Nam Ô, nước đường, xì dầu... Muốn cao lầu có hương vị riêng, rau sống nhất định phải là rau của làng rau truyền thống Trà Quế nổi tiếng ở Quảng Nam.
Ngày nay, cao lầu có mặt ở tận Pháp, Anh, Úc hay Hà Nội, Sài Gòn nhưng phải ăn ở Hội An mới có đúng hương vị cao lầu ngon lành.

Có lẽ vì vậy mà dù món ăn này đã được nhiều nơi "du nhập", nhưng mỗi khi về đến Hội An, nhiều người vẫn gọi cho mình một tô cao lầu thơm ngon, ngậy mùi... Cùng với cao lầu, các quán ăn ở Hội An còn bán kèm một món bánh dẻo thơm là bánh vạc, nhưng du khách nước ngoài còn đặt cho loại bánh này một cái tên rất khéo "white rose" - tức bánh hoa hồng trắng. Sở dĩ có cái tên ấy là do loại bánh này làm thành hình bán nguyệt, mép vỏ bánh được gấp thành những nếp uốn lượn, trông như cánh hoa hồng. Nhân bánh gồm tôm, thịt, giá, mộc nhĩ, hành... Khi ăn dùng với nước mắm Nam Ô chua ngọt.






Ăn no là vậy, ăn chơi thì đến Hội An xin mời ghé Cẩm Nam. Nói không ngoa, đến Hội An, đã không ăn cao lầu thì dứt khoát phải ra Cẩm Nam để thưởng thức bánh đập dập, hến trộn và chè bắp.



Ba món khoái khẩu này không chỉ cuốn hút giới trẻ, mà cả những du khách có tuổi. Để có bánh đập ngon lành nhất, người ta tráng hai loại bánh mỏng dính bằng gạo - một loại đem phơi khô và một loại để ướt như mì lá. Bánh khô đem nướng lên, sau đó trải bánh ướt lên trên, quẹt một lớp dầu phi hành thơm lựng, sau đó gập đôi lại, đập cho dập, đem chấm với nước mắm cái, đã pha thơm, dầu phi hành, ớt... Cắn một miếng bánh đập dập, thấy được đủ hương vị cay, ngọt, giòn mềm...





Chỉ nên ăn một ít bánh đập thôi vì còn để bụng ăn thêm món hến trộn. Bắp nếp Hội An vừa dẻo, vừa ngọt, nấu chè không chê vào đâu được. Bắp Hội An cũng được coi như đặc sản của phố Hội, hằng năm, đến mùa bắp, người Hội An lại thức dậy từ sáng sớm, mang bắp luộc ra Đà Nẵng bán, người mua không ngớt. Ai đến Hội An vào mùa bắp cũng tranh thủ mua về làm quà cho người thân...





Ngoài ra có món chè mè đen v
à còn nhiều món ngon đặc biệt khác .




Thưởng thức rồi thả bộ ra cầu chùa ngắm hoàng hôn trải bóng dài lên từng mái nhà trong phố cổ, mặt sông Thu Bồn tĩnh lặng với màu hồng mơ. Thi thoảng cái không gian tĩnh mịch ấy lại ngân nga với tiếng chuông đồng vọng ra xa xa. Hội An đơn giản nhưng không thể quên là thế...








Theo Bích Ty , NLD, TTO và Bách khoa toàn thư

Keine Kommentare: