Món khai vị: Nộm (gỏi) đu đủ thịt bò khô. Món ăn bình dân quá quen thuộc. D.Corlou chỉ nhấn mạnh là đu đủ bao giờ cũng phải đi với lạc rang giã dập và rau kinh giới.
Món chủ đạo: Bánh chưng. Năm nay, lần đầu tiên D.Corlou gói bánh chưng nhân... hải sản. Lý do: tết ăn nhiều thịt lợn quá thì rất chóng chán và... để cho bánh có vị mới và lạ. Có hai loại hải sản được dùng làm nhân bánh chưng là cua và tôm.
Bánh chưng phải được gói bé, rất bé. D.Corlou hiểu rất rõ tâm lý khách mới vào VN: cái gì cũng muốn thử một ít, ăn cả góc chiếc bánh chưng to thì đủ... no cả ngày, sức đâu mà khám phá những món khác. Chiếc bánh chưng của D.Corlou, tính cả lá, chỉ độ 3cm mỗi chiều, một người bình thường ăn một miếng hết... nửa cái.
Xôi gấc quá gần gũi, quá thân thuộc, quá rực rỡ và gợi cảm, không phải nói gì thêm.
Món sáng tạo: Nem (gỏi) cuốn. D.Corlou quyết định cho khách tìm một cảm giác vừa quen thuộc vừa rất mới mẻ qua món ăn lành và ngon miệng này: nem nhưng không có lá bánh đa nem, nguyên liệu chính là hai miếng bún cắt nhỏ (thay cho bánh mì trong món sandwich), được cuốn ngoài bằng một lá tía tô màu sắc gợi cảm, quấn lại và buộc chặt bằng một cọng hành xanh mướt trần trước qua nước sôi. Nhân có thể là cá, tôm, thịt lợn hoặc cua.
D.Corlou lưu ý thực khách nhớ đến các rau thơm và gia vị của ông: cuốn cá thì thêm một cọng rau ngổ; cuốn tôm là một cọng hoa cải; cuốn cua, thịt phải thêm cọng hoa húng quế. “Thơm dã man!” - D.Corlou vừa thản nhiên bốc cuốn cho vào miệng vừa trầm trồ.
Một tí “tây” nhưng vẫn là “ta”: phomát làm bằng sữa dê (sữa tươi Ba Vì, D.Corlou mua về và tự làm phomát tại khách sạn). Món này ăn với một lát bánh mì mỏng, được phết một lớp cái của rượu nếp cẩm (nếp than), đem nướng giòn. Phomát tây, bánh mì tây uống với rượu nếp cẩm, ăn cả những hạt cái rượu lép bép lạo xạo trong chiếc ly nho nhỏ.
Lưu ý: Tất cả đều làm rất ít, bánh chưng bé tẹo, cuốn cũng chỉ làm mỗi người mỗi loại một chiếc, xôi gấc ít, rượu mỗi người mỗi thứ một ly, bánh mì một miếng... Không gì chán bằng đi chơi tết với một cái bụng... ì ạch.
Câu chúc đầu năm của D.Corlou: “Hãy ăn ngon miệng nhưng đừng ăn nhiều, vì sẽ… mập ù. Vì vậy, thay vì ăn tết, hãy “nếm tết” và dành thời gian sáng tạo những món mới cho năm sau”.
Thu Hà thực hiện
Bếp trưởng Nelson Yap: Nhớ nồi thịt kho hột vịt
“Nồi thịt kho hột vịt luôn nhắc tôi nhớ phải cố gắng vươn lên trong cuộc sống và hãy nghĩ đến những thành viên khác trong gia đình. Khi còn nhỏ nhà tôi rất nghèo, cả nhà tám người mà tết chỉ có mỗi nồi thịt kho hột vịt mặn chát là giá trị nhất. Vậy mà cha mẹ cũng chỉ gắp một tí cho mỗi bát cơm, phần vì mặn, phần vì phải ăn ít để còn cái cho những ngày còn lại của tết”. |
Tết này anh ra menu như sau: món chính vẫn sẽ là bánh chưng, nhưng có thể thêm loại có nhân ngọt (chuối hoặc đậu); canh khổ qua dồn thịt (hoặc tôm) nấu với nước dùng ninh từ xương thì ngọt và thơm ngon tuyệt vời, mong rằng mọi chuyện khổ đau cay đắng sẽ qua đi và cuộc sống sẽ ngọt ngào như vị của bát canh;
Thêm một nồi thịt kho hột vịt cắt thêm vài cọng hành lá xanh xanh sẽ làm mâm cơm thêm màu sắc; một đĩa gỏi gà ngó sen trộn chung với đậu phộng và ớt… chua chua, ngọt ngọt, cay cay… cũng sẽ tạo một khẩu vị khác đỡ ngán cho bữa ăn ngày tết nhiều đạm.
Năm nào Nelson cũng nấu ít nhất một cái lẩu hải sản cho bữa ăn của cả nhà. Trong quan niệm của người Hoa, cái lẩu hình tròn tượng trưng cho sự đoàn tụ ấm cúng trong cả năm của mọi thành viên gia đình. Những ngày tết thường ăn thịt cá nhiều nên các loại rau trong lẩu sẽ giải tỏa bớt những đầy bụng khó chịu và hỗ trợ tiêu hóa.
Riêng với mấy món để lai rai, Nelson gợi ý: “Khô bò và nem chua là hợp nhất”.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen